Cột mốc 1.200 điểm của VN-Index đã trở nên quá quen thuộc với nhà đầu tư Việt Nam. Dù đã 17 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên chinh phục đỉnh cao này, chỉ số vẫn dường như "dậm chân tại chỗ". Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới như Dow Jones và S&P 500 đã tăng trưởng gấp nhiều lần và liên tục phá đỉnh.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến thị trường Việt Nam lại có sự khác biệt lớn như vậy?
Khác biệt đến từ cách tính chỉ số ở từng thị trường
Một trong những yếu tố quan trọng giải thích hiện tượng trên chính là phương pháp tính chỉ số. VN-Index sử dụng phương pháp Paasche, trong khi Dow Jones lại sử dụng phương pháp bình quân giản đơn. Sự khác biệt này dẫn đến cách phản ánh diễn biến thị trường cũng khác nhau. Thay vì phải nắm công thức rườm ra phức tạp thì anh/chị chỉ cần nắm ý chính dưới đây là đơn giản nhất:
VN-Index: Chỉ số sẽ được điều chỉnh ngay lập tức khi có các sự kiện như trả cổ tức, mua lại cổ phiếu,... và kể từ sau đó thì nó sẽ vẫn giữ nguyên như vậy (còn ví dụ như cổ phiếu khi tách thì biểu đồ thị giá sẽ bị điều chỉnh cả hôm nay lẫn quá khứ chứ k giữ nguyên như giá quá khứ). Điều này có nghĩa là, mặc dù giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đã tăng trưởng rất mạnh, nhưng chỉ số vẫn có thể không thay đổi đáng kể.
Dow Jones: Chỉ số được tính toán dựa trên giá đóng cửa của một rổ cổ phiếu nhất định. Do đó, sự tăng trưởng của các thành phần trong rổ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chỉ số chung.
Chính vì sự khác biệt này mà chỉ số VN-Index luôn xoay quanh ở mức cũ quá khứ so với các thị trường khác, dù VN-Index vẫn có những biến động tích cực và tăng trưởng theo thời gian. Nếu nhìn vào các cổ phiếu vốn hóa top đầu hiện tại như VCB, VNM hay HPG thì chuyện nhân tài khoản cả chục lần cũng đủ để chứng mình điều này.
Cấu trúc ngành nghề trọng điểm: Điểm yếu của thị trường Việt Nam
Một yếu tố khác cần lưu ý là cấu trúc ngành nghề của rổ VN-Index. Khác với các thị trường phát triển, nơi các ngành công nghệ, chăm sóc sức khỏe, và tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn, rổ VN-Index lại tập trung vào các ngành bất động sản và tài chính.
Ví dụ, trong rổ chỉ số Dow Jones, các nhóm ngành chiếm tỉ trọng cao nhất là công nghệ, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, hàng tiêu dùng, và viễn thông. Đây là những ngành có xu hướng tăng trưởng dài hạn, phù hợp với xu hướng thời đại, và ít chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế.
Nhóm tài chính của Dow Jones chỉ chiếm 23%, và nhóm bất động sản gần như không đáng kể. Trong khi đó tại thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm bất động sản và tài chính chiếm đến 60%, hai nhóm này lại chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách tiền tệ và chu kỳ kinh tế. Vì thế tính chất biến động khá cao và vẫn phụ thuộc nhiều vào bối cảnh nền kinh tế chung.
Sự tăng trưởng của VN-Index thường phụ thuộc nhiều vào chu kỳ kinh tế và các yếu tố vĩ mô hơn là vào năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Và cũng một phần chúng ta chưa làm chủ được nhiều ngành nghề có biên lợi nhuận cao trong chuỗi giá trị.
Vậy nên VN-Index “dậm chân tại chỗ” không đồng nghĩa với việc thị trường Việt Nam không có tăng trưởng. Hiểu rõ về phương pháp tính chỉ số và cấu trúc ngành nghề sẽ giúp anh chị thay đổi cách nhìn và đưa ra những quyết định đầu tư sáng suốt hơn. Thay vì quá chú trọng vào chỉ số, chúng ta nên tập trung vào việc phân tích cơ bản các doanh nghiệp và lựa chọn những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng vượt bậc.